top of page
DAVantage

Tư Tưởng của Tuân Tử về Chính Trị Quốc Tế và Hàm Ý của Chúng

Journal Review 2.png

1. Tuân Tử về Phương pháp luận chính trị quốc tế và sự trỗi dậy của Trung Quốc

       Tư tưởng chính trị của Tuân Tử đã có ảnh hưởng lớn tới chiều hướng trỗi dậy của Trung Quốc. Hiện nay, sự trỗi dậy của cường quốc này đã và đang gây ra những lo ngại đối với nền chính trị quốc tế (CTQT) mà trong đó Hoa Kỳ đang giữ vị thế bá quyền. Vì thế, Trung Quốc phải trở thành một quốc gia được các quốc gia nể phục, trở thành nước "Vương Đạo Chân Chính" - giành lấy vai trò xác lập một trật tự thế giới an toàn và hòa bình hơn. Tuân Tử quan niệm rằng, đối với một quốc gia, sức mạnh chính trị là yếu tố quan trọng nhất, được phát huy thông qua kẻ cai trị (ruler) và các thượng thư, còn đối với thế giới, tính ổn định của hệ thống CTQT hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất của các cường quốc - thứ sẽ quyết định rằng "Vương đạo" của nước ấy có chân chính hay không. Nhân tố quyết định hiện trạng CTQT cũng là nước cai trị.

2. Tuân Tử về chính trị quốc tế

2.1. Quan điểm về sức mạnh quốc gia

       Tuân Tử cho rằng Nhà nước (state) vừa là một đơn vị chủ thể của CTQT, vừa là một công cụ trị an nội bộ. So với các lãnh chúa điều hành những thuộc quốc nhỏ bé, thì các Thiên tử (Son of heaven) nắm trong tay hàng ngàn cơ quan quyền lực (offices) để thi hành các mệnh lệnh theo truyền thống Hoa Hạ, do đó có quyền lực to lớn hơn cả. Vì nhà nước vừa là công cụ, vừa là gánh nặng lớn nhất trong thiên hạ, việc tuyển chọn phẩm chất và năng lực của các "Thượng thư" - những người điều hành đất nước, sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của việc trị quốc. Trong quan hệ quốc tế, ông quan niệm rằng nền tảng an ninh quốc gia là nguyên tắc chính của đối ngoại, được quyết định bởi sự tốt đẹp trong quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia khác - thứ không thể được duy trì bền vững và lâu dài từ sự mua chuộc về mặt kinh tế.

 

2.2. Quan điểm về thẩm quyền quốc tế

       Với Tuân Tử, "thiên hạ" là thế giới nhưng điều quan trọng là "phải có thiên hạ", tức là đạt được vai trò lãnh đạo thế giới. Và để có được thế giới thực sự (không phải trên danh nghĩa) thì phải có sức mạnh. Tuân Tử cho rằng sức mạnh có ba bản chất khác nhau: sức mạnh dựa vào vương đạo chân chính (người lãnh đạo phải có tính chính danh, sáng suốt, uy minh,...); dựa vào bá quyền (nỗ lực bền bỉ của kẻ cai trị trong tuân thủ nguyên tắc, thiết lập niềm tin) và dựa vào sức mạnh thô (hành vi quân sự hung hăng và chiếm đóng lãnh thổ của nước khác).

       Nhìn chung, Tuân Tử quan niệm đạo đức của người lãnh đạo là quan trọng nhất còn quân sự (sức mạnh cứng) chỉ là bổ trợ trong việc tạo dựng sức mạnh quốc gia. Nếu vị vua cai trị hợp đạo, thiên hạ sẽ ổn định lâu dài mà không cần phát động chiến tranh.

 

2.3. Quan điểm về trật tự quốc tế

       Tuân Tử tin rằng "nhân chi sơ tính bản ác", với lòng tham gần như không có giới hạn, và quá trình tranh giành các lợi ích để thỏa mãn nhu cầu ấy, tất yếu sẽ dẫn đến xung đột bạo lực. Khi vật chất và sự giàu sang thuần túy không thể làm hài lòng tham vọng của con người, sẽ cần đến các quy chuẩn xã hội để kiểm soát bản chất vốn có, từ đó tránh được tình trạng mất trật tự xã hội. Vì thế, cần thiết lập các quy tắc chỉnh huấn (phép lễ nghi) cá nhân, đồng bộ chính quyền, và rộng hơn, là những quy chuẩn toàn cầu để giữ gìn trật tự thế giới.

       Giữa các quốc gia nên có sự phân chia thứ bậc để ngăn chặn xung đột vì sức mạnh của từng quốc gia là khác nhau. Các quy chuẩn quốc tế áp dụng cho các cường quốc phải nghiêm ngặt còn với các nước nhỏ thì linh hoạt hơn. Trật tự như vậy sẽ duy trì cân bằng quyền lực, trách nhiệm giữa các nước; từ đó, giảm thiểu xung đột và tăng cường hợp tác quốc tế. Đây là quy chuẩn quốc tế không bình đẳng nhưng công bằng. Điều này trái ngược với nguyên tắc của Hòa ước Westphalia rằng các quốc gia có chủ quyền đều bình đẳng về mặt pháp lý trong hệ thống QHQT.

​​​​​​

(Đăng tải vào 06/2025)

​​

TÁC GIẢ

Trương Trần Thái Duy, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

Nguyễn Thành Luân, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

Nguyễn Thùy Dung, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

​​

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA

Lê Hoàng Linh, sinh viên Khoa Tiếng Anh, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.

​​

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Xuetong, Y. “Xun Zi’s Thoughts on International Politics and Their Implications.” The Chinese Journal of International Politics, vol.  2, no. 1, 1 Jan. 2008, pp. 135–165, https://doi.org/10.1093/cjip/pon005.

DAV MODEL UNITED NATIONS

Contact us:

  • Instagram
  • alt.text.label.Facebook
  • alt.text.label.YouTube
  • Spotify
bottom of page