top of page
DAVantage

Phương Tây trước sự nổi lên của BRICS:
Khi cán cân quyền lực dần được tái định hình

[FINAL] DAVANTAGE 04.06.jpg

          Khi nhắc tới BRICS, chúng ta sẽ nghĩ đến điều gì? Một khối được tạo thành từ các thế lực đang lên như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Indonesia,...? Một liên minh với tiềm lực kinh tế - thị trường rất lớn với dân số gần 4 tỷ người và chiếm khoảng ⅓ GDP toàn cầu? Tuy nhiên, đối với những cường quốc phương Tây hàng đầu, BRICS thực sự là một đối trọng cần phải để mắt tới bởi những nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng của khối. Ở đó, Hoa Kỳ và các đồng minh, bằng việc tìm cách hài hòa giữa sự hợp tác và kiềm tỏa,  đang cố gắng bảo toàn vị thế của mình trong cuộc tranh đua bá quyền này.

 

          Cần nhìn nhận rằng bất chấp sự lớn mạnh của các nước BRICS, các cường quốc như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản,... vẫn sở hữu trình độ phát triển, vị thế cao hơn trên toàn cầu. Như một lẽ tất yếu khi nhìn vào đối thủ ở tầm vóc thấp hơn, sự dè chừng, nghi hoặc là điều có thể nhận thấy ở Hoa Kỳ và các đồng minh khi họ khá soi xét những động thái của nước thành viên khối. Phương Tây còn ngờ vực khi nhìn vào sự hiện hữu của những khác biệt, mâu thuẫn giữa các thành viên, tiêu biểu như giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ở đó, sự thiếu đi chiến lược phát triển tương tác cụ thể giữa các thành viên càng làm dấy lên nghi hoặc về tính vững mạnh của BRICS. (Abby Ryanto, 2025). Về mặt kinh tế - tài chính, phương Tây tìm cách duy trì một nền quản trị toàn cầu xoay quanh mình thay vì cân nhắc hệ thống nơi BRICS được tham gia nhiều hơn. Điều này khiến các nỗ lực đáng ghi nhận  như công cuộc xây dựng Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS dường như chưa thể phá vỡ các khuôn khổ đã có. (Marina Larinova, Andrei Shelepov, 2020). Ta cũng nên lưu tâm vai trò của Hoa Kỳ, đặc biệt là qua cách siêu cường này định hướng các khối như G7, G20 làm trung tâm trong việc quản trị kinh tế toàn cầu và xây dựng các tiêu chuẩn. Đừng quên tổng thống Donald Trump cũng đang lấp lửng với các biện pháp mạnh tay hơn khi thấy vị thế đồng USD bị lăm le, và sự áp thuế lên hàng hóa BRICS có thể sẽ không còn chỉ là những lời đe dọa nữa. 

 

          Suy cho cùng, người ta vẫn nói một rừng thì không thể có hai hổ, nhưng nếu điều đó xuất hiện thì một trong hai hệ quả logic sau có thể xảy ra: mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau, hoặc thích ứng và cùng tồn tại. May mắn thay, những mâu thuẫn hiện tại vẫn đi kèm với những biểu hiện tích cực hơn. Ảnh hưởng đang lên của một khối đầy tiềm năng như BRICS hẳn cũng gợi ra cho Hoa Kỳ và các đồng minh ý niệm hợp tác trong một khuôn khổ nào đó. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các biện pháp trừng phạt hay đòn hạn chế thương mại lên BRICS rồi sẽ dẫn tới những tổn hại lớn đến chính nền kinh tế - tài chính của các nước phương Tây cũng như phần còn lại của thế giới. Các động thái đã xuất hiện, và những thành quả đáng khích lệ như “Sáng kiến Cừa ngõ toàn cầu” từ EU, khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hay các hiệp định thương mại song phương khác đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới và dần định hình hệ thống phân chia ảnh hưởng toàn cầu.

          Lối tiếp cận hai chiều ấy từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh đang định hình một thế giới của không chỉ những thế lực phương Tây truyền thống mà còn bởi BRICS, bởi nhiều quốc gia đang lên khác cũng như các cơ quan mang tính liên kết trên toàn cầu. Với đặc điểm này, một trật tự thế giới mới dường như đang xuất hiện: trật tự đa hợp, theo đánh giá của Amitav Acharya - một giáo sư nổi bật về nghiên cứu quan hệ quốc tế. Ông đã chỉ ra rằng một yếu tố khác biệt so với trật tự đa cực trước đây nằm ở sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế và khu vực, các tập đoàn xuyên quốc gia, các phong trào xã hội,...trong việc xây dựng hệ thống quyền lực toàn cầu. Có thể coi đây là sự tiếp nối từ những tương tác ngày một phức tạp, tinh vi giữa các quốc gia trên nhiều mặt và ảnh hưởng của các cơ chế đa phương. (Amitav, 2023) Ở đó, hệ thống bá quyền của Hoa Kỳ sẽ chỉ còn là một phần nổi cộm thay vì thành tố quyết định nhất. Amitav tin rằng xu hướng này sẽ yêu cầu phương Tây cần linh hoạt thích ứng, đồng thời thoát khỏi ham muốn duy trì bá quyền và tìm ra các chiến lược hợp tác khéo léo hơn. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” - hãy cùng lưu ý điều này khi nhìn vào cục diện hiện tại và tương lai của cuộc đối đầu này. 

 

           Lịch sử cận - hiện đại đã chứng kiến các hệ thống phân chia quyền lực nối tiếp nhau. Dẫu còn quá sớm để khẳng định những mầm mống của một trật tự mới sẽ đưa thế giới sang một giai đoạn ổn định và phát triển hơn, những sự xoay chuyển ấy đang đem tới quyền tham gia sòng phẳng hơn vào hệ thống quyền lực toàn cầu. Ở đó, BRICS sẽ là nhân tố đi đầu bất chấp những thách thức từ nền “bá quyền phương Tây.”

(Đăng tải vào 06/2025)

TÁC GIẢ

Phạm Nguyễn Đức Minh, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.

Lù Hoàng Mai, sinh viên Khoa Tiếng Anh, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA

Phạm Dũng, sinh viên Khoa Luật quốc tế, Khóa 48, Học viện Ngoại giao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Acharya, A. (2017). After Liberal Hegemony: The Advent of a Multiplex World Order. Ethics & International Affairs, 31(3), 271–285. https://doi.org/10.1017/S089267941700020X

[2] Acharya, A., Estevadeordal, A., & Goodman, L. W. (2023). Multipolar or multiplex? Interaction capacity, global cooperation and world order. International Affairs, 99(6), 2339–2365. https://doi.org/10.1093/ia/iiad242

[3] Diwakar, A. (2021, December 7). BRICS 20 years on: A success or failure? BRICS 20 Years on: A Success or Failure? https://www.trtworld.com/magazine/brics-20-years-on-a-success-or-failure-52410 

[4] Hau, M. V., Scott, J., & Hulme, D. (2012). Beyond the BRICs: Alternative strategies of influence in the global politics of development. European Journal of Development Research, 24(2), 187–204. https://doi.org/10.1057/ejdr.2012.6

[5] Larionova, M., & Shelepov, A. (2020). The G20, G7 and BRICS in Global Economic Governance. International Organisations Research Journal, 14(4), 48–71. https://doi.org/10.17323/1996-7845-2019-04-03

[6] Kamin, K., & Langhammer, R. J. (2024). BRICS+: A Wake-Up Call for the G7? Cuadernos Económicos de ICE, 107. https://doi.org/10.32796/cice.2024.107.7802

[7] TTWTO VCCI - (Tin tức) BRICS: Thúc đẩy thương mại tự do và công bằng hơn. (n.d.). https://trungtamwto.vn/chuyen-de/10085-brics-thuc-day-thuong-mai-tu-do-va-cong-bang-hon

[8] The BRICS Summit 2023: Seeking an alternate world Order? (n.d.). Council of Councils. https://www.cfr.org/councilofcouncils/global-memos/brics-summit-2023-seeking-alternate-world-order

[9] Ryanto, A. (2025, January 17). The BRICS bloc is growing — and Trump’s tariff threat isn’t expected to put off aspiring members. CNBC. https://www.cnbc.com/2025/01/17/the-brics-bloc-is-growing-and-trumps-tariff-threat-isnt-expected-to-put-off-aspiring-members.html

DAV MODEL UNITED NATIONS

Contact us:

  • Instagram
  • alt.text.label.Facebook
  • alt.text.label.YouTube
  • Spotify
bottom of page