top of page
DAVantage

Bình phẩm sách: Quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau - Robert O. Keohane & Joseph Nye

Journal Review 1.png

         Bản chất của thế giới chính trị đang thay đổi: “Chúng ta đang sống trong một thời đại phụ thuộc lẫn nhau” - Cuốn sách Power and Interdependence (Quyền lực và Sự phụ thuộc lẫn nhau) (4th Edition), được viết bởi hai học giả Robert O.Keohane và Joseph Nye, đã xây dựng một mô hình lý thuyết về hệ thống chính trị quốc tế dựa trên sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủ thể quan hệ quốc tế. Đây là một cách tiếp cận mới và thách thức các lý thuyết truyền thống trong việc giải thích nền chính trị quốc tế.

 

        Đầu tiên, Robert Keohane và Joseph Nye đã tập trung phân tích “sự phụ thuộc lẫn nhau” dựa trên 02 vấn đề chính: (1) Khái niệm và (2) Mối quan hệ giữa quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau. Khái niệm “sự phụ thuộc lẫn nhau” trong chính trị quốc tế được tác giả lý giải là “sự phụ thuộc và tác động qua lại giữa các quốc gia hoặc giữa chủ thể bên trong quốc gia”. Hình thành từ sau Thế chiến II khi nền thương mại và tài chính quốc tế bắt đầu phát triển, những tác động hai chiều đã mở ra xu thế của hợp tác song phương và đa phương, làm xuất hiện và phát triển nhanh chóng tính liên kết xuyên quốc gia (interconnectedness). Dù vậy, cần phải phân biệt rõ khoảng cách giữa tính liên kết (interconnectedness) với sự phụ thuộc (interdependence) của các chủ thể với nhau. Trong các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, các chủ thể tham gia sẽ phải chịu sự ràng buộc nhất định về lợi ích (an ninh và kinh tế). Đối với các mối liên kết, các chủ thể gần như không phải chịu hoặc chịu rất ít những ràng buộc đi kèm. Tác giả đồng thời đề cập tới mối quan hệ phụ thuộc giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được điều chỉnh dựa trên mối đe dọa chung là sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân, cho thấy sự phụ thuộc có thể được điều chỉnh không chỉ giới hạn ở lợi ích chung, mà còn dựa trên giá trị của chủ thể và bản chất mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau. 

 

        Mối quan hệ phụ thuộc giữa các chủ thể với nhau được quyết định và điều chỉnh bởi quyền lực. Khái niệm “quyền lực” được tác giả tiếp cận theo hai cách. Một là khả năng kiểm soát chủ thể thực hiện, hai là kiểm soát kết quả của hành động đó. Sự phụ thuộc bất đối xứng giữa các chủ thể với nhau cũng có thể là một nguồn quyền lực, khi các chủ thể với tiềm lực chính trị lớn hơn sẽ chịu ít tổn thất hơn mỗi khi có biến động trong mối quan hệ này. Vai trò của quyền lực trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau được các chủ thể thể hiện qua hai khía cạnh: tính nhạy cảm (sensitivity) và tính tổn thương (vulnerability). Cụ thể, tính nhạy cảm phản ánh mức độ phản ứng của các chủ thể trong khuôn khổ chính sách trước các thay đổi bên ngoài, trong khi tính tổn thương liên quan đến khả năng thích ứng và chi phí điều chỉnh lâu dài. Một ví dụ điển hình được tác giả đưa ra là sự việc giá dầu tăng nhanh chóng những năm 1970, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu như Nhật Bản và Tây Âu, thể hiện cho mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia này, trong khi Hoa Kỳ, với tỷ lệ nhập khẩu dầu thấp hơn, dù vẫn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm xăng dầu và giá cả leo thang nhưng đã chịu ít thiệt hại hơn so với các khu vực nêu trên. Tính nhạy cảm của các quốc gia được thể hiện ở chỗ, trong cùng một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, quốc gia nào có thể chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng thay thế như than đá hoặc khí đốt tự nhiên sẽ chịu ít thiệt hại hơn so với quốc gia không có lựa chọn thay thế. Sự phân biệt này cho thấy quyền lực trong quan hệ quốc tế không chỉ phụ thuộc vào những nguồn lực sẵn có mà còn dựa vào khả năng điều chỉnh chính sách, giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội đến từ những mối quan hệ hợp tác quốc tế.

 

       Các giả định về chính trị thế giới sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta nhìn nhận và giải thích sự kiện. Chủ nghĩa hiện thực, vốn đề cao quyền lực quân sự và an ninh quốc gia, đã thống trị trong thời kỳ hậu chiến. Tuy nhiên, sự hợp tác và phụ thuộc đã trở thành một điểm yếu mà thuyết hiện thực không còn phù hợp để giải thích. Khái niệm “sự phụ thuộc lẫn nhau phức hợp” (complex interdependence) được tác giả giới thiệu như một lý thuyết đối lập hoàn toàn so với chủ nghĩa hiện thực và giải thích những vấn đề hiện đại thỏa đáng hơn. Câu hỏi được đặt ra là liệu lý thuyết phụ thuộc phức hợp có phù hợp với thực tại hơn là thuyết hiện thực hay không? 

 

        Chủ nghĩa hiện thực xem chính trị quốc tế như là một cuộc đấu tranh vì quyền lực. Trong thế giới của thuyết hiện thực, các quốc gia luôn nằm trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh, liên tục phải chạy đua vũ trang để đảm bảo sự tồn vong của nước mình, trong khi đó các tổ chức quốc tế và chủ thể phi nhà nước có vai trò hạn chế. Ngược lại, thuyết phụ thuộc lẫn nhau phức hợp tiếp cận nền chính trị thế giới dựa trên ba đặc điểm chính: (1) Sự kết nối đa kênh giữa các chính phủ, tổ chức và mạng lưới xã hội; (2) Chính trị quốc tế không còn đặt an ninh quân sự lên hàng đầu, các vấn đề đối nội và đối ngoại ngày càng được giải quyết linh hoạt; (3) Đấu tranh vũ trang không còn là công cụ hiệu quả trong nhiều tình huống, đặc biệt là các tình huống phi quân sự (biến đổi khí hậu hay thương mại quốc tế). Xét trong bối cảnh hiện nay, hợp tác đa phương, an ninh phi truyền thống hay sự phát triển của những chủ thể phi quốc gia là ba trong số những vấn đề mà thuyết hiện thực chưa thể lý giải được như thuyết phụ thuộc lẫn nhau phức hợp.

 

         Nhằm giải thích cho sự thay đổi chế độ quốc tế một cách khái quát hoá, hai tác giả cũng đưa ra 04 mô hình lần lượt dựa trên sự thay đổi trong (1) các tiến trình kinh tế, (2) cấu trúc quyền lực tổng quan, (3) cấu trúc quyền lực trong từng vấn đề, và (4) khả năng quyền lực bị ảnh hưởng bởi tổ chức quốc tế. Mô hình tiến triển kinh tế nhấn mạnh sự nhảy vọt về khoa học kỹ thuật - công nghệ và phụ thuộc kinh tế của các quốc gia là cơ sở cho sự thay đổi về luật lệ và thể chế, từ đó tạo ra sự tái cấu trúc hệ thống. Về mặt quốc nội, tác giả chỉ ra rằng từ những thập niên 70 của thế kỷ XX, các quốc gia cũng có động lực thay đổi tình thế đơn nhất, độc lập để tận dụng sự luân chuyển của dòng tiền và cả lao động, nhất là khi nhu cầu của người dân đang ngày càng gia tăng và kéo theo đó là sự cần thiết gia tăng tổng sản phẩm quốc nội. Kết quả là khi yếu tố tự chủ có nguy cơ bị đe dọa, lợi ích từ việc mở cửa hợp tác kinh tế vẫn mang lại kết quả khả quan, kể cả trong trường hợp mối quan hệ không tương xứng khi có một quốc gia có tiềm lực cũng như khả năng chống chịu trước sự thay đổi của tình hình tốt hơn bên còn lại.

 

        Với mô hình (2), sự thay đổi chế độ quốc tế được lý giải bắt nguồn từ sự xói mòn của vị trí bá quyền, nghĩa là vốn dĩ tồn tại một quốc gia dẫn dắt, coi mình là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ lợi ích dài hạn của chế độ đó và sẵn sàng hi sinh một số lợi ích ngắn hạn để bảo vệ hệ thống, song vị thế đã bị thách thức - chúng ta có thể nhắc lại về hình ảnh của nước Mỹ và việc chính thức kết thúc cam kết chuyển đổi đô la thành vàng, đánh dấu sự suy yếu của chế độ Bretton Woods. Trong khi đó, mô hình (3) - cấu trúc quyền lực theo từng vấn đề cho rằng các nguồn lực quyền lực trong một lĩnh vực sẽ không hiệu quả khi áp dụng vào các lĩnh vực khác, hay nói cách khác khả năng quân sự sẽ không hiệu quả trong các vấn đề kinh tế, và khả năng kinh tế có liên quan đến một lĩnh vực có thể không có liên quan đến lĩnh vực khác. Ví dụ như sự thống trị của Mỹ suy giảm nhanh chóng hơn vào những năm 1970 trong vấn đề dầu mỏ, mặc dù Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều về quân sự và kinh tế so với các nhà sản xuất dầu Trung Đông, nhưng không thể thuyết phục các nước OPEC giảm giá dầu do bất tương xứng về vị trí quyền lực giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng. Còn ở mô hình (4), cuốn sách nhấn mạnh vai trò của các mạng lưới và chuẩn mực quy định cách thức hành xử của mỗi quốc gia. Trong mô hình này, các tổ chức quốc tế là yếu tố độc lập, ảnh hưởng đến sự thay đổi trong chế độ, làm ổn định các chế độ và khiến chúng khó thay đổi, ngay cả đối với các quốc gia quyền lực.

 

         Lý thuyết là những lập luận được tổng kết từ chính thực tiễn, nhằm củng cố và vận dụng trong các tình huống tương tự trong tương lai. Đặt vào bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, dù được viết từ những năm 70 của thế kỷ trước, những lập luận và tính dự báo trong cuốn sách của Keohane và Nye đã cho thấy sự thắng thế của nó so với các dòng lý thuyết khác. Ví dụ, các tổ chức như Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoạt động dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau, nơi quyền lực được phân bổ giữa các chủ thể chứ không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự. Hay một ví dụ khác, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cho thấy chính sách kinh tế của một nước có thể ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, chuỗi cung ứng và quan hệ ngoại giao. Nếu nhìn từ bốn mô hình diễn giải sự thay đổi chế độ quốc tế ở trên, có thể thấy cuộc thương chiến này đã diễn ra trong bối cảnh tiến kinh tế khoa học-công nghệ trên thế giới đang có những biến chuyển với điểm đáng chú ý là sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc cả về khoa học-kỹ thuật lẫn kinh tế. Trong khi đó, Mỹ vốn là quốc gia dẫn dắt trong hệ thống kinh tế-thương mại toàn cầu, đóng vai trò là người bảo hộ, “là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ lợi ích dài hạn của chế độ đó và sẵn sàng hi sinh một số lợi ích ngắn hạn để bảo vệ hệ thống”, đã bị thách thức vị thế và ở trong tình trạng xói mòn bá quyền. Mặt khác, vai trò của tổ chức quốc tế trong việc đặt ra quy chuẩn và điều chỉnh hành vi của các bên tham gia, trong trường hợp này tiêu biểu là Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), đã không thể là nhân tố trung gian giải quyết tranh chấp này. Từ đó, đặt kinh tế quốc tế trong một tình trạng mất ổn định với đầy biến chuyển.

 

         Dựa trên lý thuyết về “sự phụ thuộc lẫn nhau”, Keohane và Nye đã áp dụng khung phân tích này để giải thích hiện tượng “toàn cầu hóa” và xem xét cách các quốc gia phản ứng trước sự gia tăng các mối liên kết trong bối cảnh toàn cầu. Toàn cầu hóa về bản chất là sự mở rộng của chủ nghĩa toàn cầu (globalism), đặc trưng bởi sự phát triển của các mạng lưới kết nối: mức độ dày đặc cũng như chiều kích của các liên kết toàn cầu. Khi phân tích hai khái niệm “độ nhạy cảm” (sensitivity) và “độ dễ tổn thương” (vulnerability), Keohane và Nye cho rằng cả hai vẫn giữ nguyên giá trị phân tích trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng độ dễ tổn thương có ảnh hưởng lớn hơn đến phân bổ quyền lực. Trong khi độ nhạy cảm phản ánh chi phí khi một quốc gia chịu tác động trong khuôn khổ chính sách không đổi, thì độ dễ tổn thương thể hiện chi phí điều chỉnh chính sách nhằm thích ứng với những tác động từ bên ngoài. Ví dụ, khi lãi suất toàn cầu tăng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, quốc gia đó sẽ phải cân nhắc mức tốn kém của các biện pháp điều chỉnh. Nếu chi phí điều chỉnh cao, tình huống này vượt ra khỏi phạm vi của độ nhạy cảm, trở thành biểu hiện của độ dễ tổn thương. Sự phụ thuộc lẫn nhau dễ tổn thương trở thành yếu tố then chốt về mặt chính trị, bởi các chủ thể sẽ bị kiềm chế bởi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau khi đưa ra các lựa chọn chính sách. Đồng thời, những chủ thể ít phụ thuộc hơn có thể khai thác sự bất cân xứng để gia tăng quyền lực và đạt mục tiêu chiến lược.

 

         Hai tác giả cũng xem xét sự bùng nổ của thông tin như một yếu tố thúc đẩy toàn cầu hóa. Sự lan tỏa nhanh chóng của thông tin làm giảm chi phí truyền tải, cho phép các chủ thể tiếp cận thông tin, từ đó gia tăng ảnh hưởng của “sức mạnh mềm”. Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng thông tin đã trở thành những xu thế không thể đảo ngược, làm nổi bật vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia. Quyền lực không còn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực truyền thống như quân sự hay an ninh, mà chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, thông tin và các thách thức toàn cầu.

 

         Dẫu vậy, khi giải thích các vấn đề trong quan hệ quốc tế, không một lý thuyết nào có thể được dùng cho mọi trường hợp, và những lý thuyết hay mô hình được mô tả trong Power and Interdependence cũng không phải ngoại lệ. Các nhánh lý thuyết của chủ nghĩa tự do thường phát huy tối đa khi giải thích về những vấn đề kinh tế và thể chế, khi hợp tác và luật pháp kinh tế được sử dụng, dựa trên giả định là các chủ thể trong quan hệ quốc tế đều có mong muốn chung sống hòa bình và phát triển; song dòng lý thuyết này không phải một cơ sở đủ mạnh khi giải thích cho các hành động liên quan đến an ninh sinh tồn của một quốc gia, các cuộc chiến tranh hay những xung đột có tính giai cấp. 


        Để tổng kết lại, có thể thấy Power and Interdependence vẫn là một khuôn khổ quan trọng để phân tích cách toàn cầu hóa, ngoại giao và mạng lưới kinh tế định hình chính trị quốc tế ngày nay, trong việc cung cấp một lăng kính hữu hiệu để nhìn lại thế giới cũng như một công cụ lý giải và dự báo trong thế giới toàn cầu hoá.​​

(Đăng tải vào 06/2025)

TÁC GIẢ

Đỗ Hoàng Ngọc Hà, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

Đậu Lê Minh Hạnh, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

Sầm Thanh Hằng, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

 

THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ

Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.

 

​TÀI LIỆU THAM KHẢO

Keohane, R.O. and Nye, J.S. (2012). Power and Interdependence. 4th ed. Pearson, pp.34, 223–234.

DAV MODEL UNITED NATIONS

Contact us:

  • Instagram
  • alt.text.label.Facebook
  • alt.text.label.YouTube
  • Spotify
bottom of page