top of page
DAVantage

Từ hợp nhất đến bất định: Lý do vì sao
chủ nghĩa đa phương đang dần suy yếu?

final.png

           Chủ nghĩa đa phương đang trên đà suy yếu, đối mặt với những thách thức bắt nguồn từ chính các nguyên tắc cốt lõi như tính không thể chia cắt và sự tương hỗ. Những nền tảng từng tạo nên thành công cho hợp tác đa phương, giờ đây chật vật tồn tại trong một thế giới đầy biến động. Điều này dần làm xói mòn niềm tin giữa các quốc gia thành viên, từ đó đe dọa tính bền vững của các cơ chế hợp tác.

 

          Trước hết, tính không thể chia cắt – vốn xem lợi ích quốc gia là gắn bó với nhau –đang làm suy giảm hiệu quả của hợp tác đa phương. Dù thúc đẩy tinh thần đoàn kết và thịnh vượng chung, nguyên tắc này phớt lờ sự chênh lệch trong khả năng đóng góp của từng quốc gia, mặc định rằng lợi ích sẽ được chia đều. Hệ quả là sự mất cân đối trong việc chia sẻ gánh nặng, khi các quốc gia có nguồn lực lớn hơn được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn, dù mọi thành viên đều hưởng lợi ngang nhau. Theo thời gian, thiện chí của những nước chủ chốt trong việc duy trì cam kết sẽ dần suy giảm, phương hại đến hiệu quả của các hợp tác chung.

           Bên cạnh đó, sự tương hỗ – dựa trên niềm tin và tầm nhìn dài hạn giữa các quốc gia – từ lâu đã là nền tảng vững chắc của chủ nghĩa đa phương. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, EU đã hỗ trợ tài chính cho quốc gia này với kỳ vọng rằng việc ổn định một nền kinh tế sẽ góp phần cân bằng cả khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới ngày càng bị chi phối bởi những khủng hoảng cấp bách và có tính rủi ro cao, cơ chế này thường gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định kịp thời và hiệu quả.

         Trong đại dịch COVID-19, dù cộng đồng quốc tế đã cam kết phân phối vaccine công bằng thông qua sáng kiến COVAX, các quốc gia vẫn tích trữ vaccine để bảo vệ người dân trong nước. Những mối đe dọa sinh tử như vậy đã buộc các nước ưu tiên sự sống còn trước mắt thay vì đóng góp dài hạn. Về lý thuyết, sự tương hỗ giúp duy trì hợp tác, nhưng sẽ bị lấn át bởi bản năng tự vệ khi khủng hoảng ập đến. 

           Ngoài ra, hợp tác đa phương còn suy yếu bởi sự bất cân xứng về tầm ảnh hưởng, tạo điều kiện để các cường quốc diễn giải và áp dụng các quy định đa phương theo hướng có lợi cho mình. Dù mọi quốc gia đều theo đuổi lợi ích riêng, những nước có ảnh hưởng lớn thường có nhiều “dư địa” hơn trong cách thực thi các quy định. Ngược lại, các quốc gia nhỏ hơn lại có ít lựa chọn để phản đối việc tuân thủ có chọn lọc từ các cường quốc. 

          Một minh chứng là hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi Hoa Kỳ đã từng trì hoãn việc tuân thủ các quy chuẩn đa phương. Những hành động như vậy làm suy yếu tính chính danh của luật pháp quốc tế, tạo ra sự bất công và dần làm mất niềm tin vào các khuôn khổ hợp tác toàn cầu.

Tựu trung lại, sự suy thoái này đang đặt thế giới trước ngã rẽ: Liệu chủ nghĩa đa phương có thể được củng cố, hay một tương lai chia rẽ đang chờ chúng ta? Câu trả lời nằm ở hành động của chúng ta hôm nay – và chính những quyết định này sẽ định hình cách nhân loại vượt qua khủng hoảng trong tương lai.

(Đăng tải vào 06/2025)

TÁC GIẢ

Lê Nguyễn Bảo Anh, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.

Phan Ngọc Quỳnh, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA

Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Scott, J. (n.d.). Multilateralism. In Encyclopaedia Britannica. Retrieved March 8, 2025, from https://www.britannica.com/topic/multilateralism

[2] Goldberg, P. K. (2024, March 19). Why have developing countries soured on multilateralism? Project Syndicate. https://www.project-syndicate.org/commentary/multilateralism-wto-in-crisis-when-developing-countries-dont-see-the-benefits-by-pinelopi-koujianou-goldberg-2024-03

[3] Friends of the Earth International. (2024, September 15). The failure of the current multilateral system. https://www.foei.org/the-failure-of-the-current-multilateral-system/

[4]  European Commission. (2015). Financial assistance to Greece. Economic and Financial Affairs. https://ec.europa.eu/info/business-economy-euro/economic-and-fiscal-policy-coordination/financial-assistance-eu/which-eu-countries-have-received-assistance/financial-assistance-greece_en

[5] World Health Organization. (2021, June 13). Global leaders commit further support for global equitable access to COVID-19 vaccines and COVAX. https://www.who.int/news/item/13-06-2021-global-leaders-commit-further-support-for-global-equitable-access-to-covid-19-vaccines-and-covax

[6] Nebehay, S. (2021, January 8). WHO warns against vaccine hoarding as poorer countries go without. Reuters. https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-who-idUSKBN29D2AK

[7] Blenkinsop, P. (2023, November 6). Exclusive: US pauses financial contributions to WTO, trade sources say. Reuters. https://www.reuters.com/world/us/us-pauses-financial-contributions-wto-trade-sources-say-2023-11-06/

DAV MODEL UNITED NATIONS

Contact us:

  • Instagram
  • alt.text.label.Facebook
  • alt.text.label.YouTube
  • Spotify
bottom of page