
DAVantage
Sự giải phóng hoàn toàn của các dân tộc Đông Nam Á
Liệu các phong trào cách mạng ở châu Á
có thật sự đem lại tự do cho người dân?

1. Mở đầu
Sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới thứ hai đã mở ra một làn sóng giải phóng dân tộc trên khắp châu Á khi cuộc chiến làm lung lay nền tảng kinh tế - xã hội trong các thuộc địa và khơi dậy những khát vọng mới và mong muốn về một tương lai không còn sự áp bức, bóc lột từ ngoại bang. Tuy có lịch sử khác nhau, các dân tộc bị áp bức đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là độc lập và tự do. Thế nhưng, liệu việc lật đổ ách thống trị của nước ngoài có đồng nghĩa với sự giải phóng hoàn toàn? Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các phong trào đấu tranh giành độc lập tại ba quốc gia: Malaysia, Việt Nam và Indonesia cũng như phân tích những thách thức mà các nước trên phải đối mặt sau khi giành được độc lập.
2. Từ căng thẳng sắc tộc đến chủ quyền chính trị ở Malaysia (1945 - 1963)
Giai đoạn hậu Thế chiến II tại Malaya không chỉ đơn thuần là quá trình chuyển giao quyền lực từ thực dân Anh sang tay người bản xứ. Trong khi các lực lượng chính trị trong nước bắt đầu hình thành thì những căng thẳng sắc tộc, chủ yếu giữa người Mã Lai và người Hoa, vốn âm ỉ cũng dần bộc lộ rõ rệt hơn. Cùng với việc người Anh đang dần rút lui và chuyển giao quyền lực (Andaya & Andaya, 2016), mâu thuẫn nội bộ trên đã dần định hình con đường giải phóng quốc gia và thậm chí là cả dự báo về mức độ mà Malaysia có thể đạt được.
Việc thành lập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) vào năm 1946, ban đầu xuất phát từ mối lo ngại của người Mã Lai về đề xuất Liên bang Malaya nhằm bảo vệ các đặc quyền của họ, và sự trỗi dậy của các phong trào cánh tả, thu hút sự ủng hộ đáng kể từ cộng đồng người Hoa và người Ấn Độ, đã làm phức tạp thêm cục diện chính trị (Andaya & Andaya, 2016).
Những căng thẳng này lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ mang tên “Tình trạng Khẩn cấp Malaya” (1948 - 1960) - một cuộc xung đột giữa lực lượng thực dân Anh và quân nổi dậy cộng sản, chủ yếu từ cộng đồng người Hoa, những người tìm cách lật đổ ách cai trị của thực dân. Đáp lại, Anh và chính quyền địa phương đã triển khai một chiến lược mang tính lâu dài, ít tốn kém và hiệu quả: tách biệt lực lượng du kích khỏi dân chúng và làm suy giảm lực lượng của họ (Robert W. Komer, 1972). Song, sự kiện này đã làm gia tăng căng thẳng và cản trở sự hình thành một quốc gia thống nhất vốn cần được xây dựng dựa trên nền tảng là những khát vọng chung của toàn bộ người dân.
Năm 1957, Liên bang Malaya tuyên bố độc lập, và đến năm 1963 sáp nhập với Sarawak, Bắc Borneo và Singapore, hình thành nên quốc gia Malaysia. Tuy nhiên, Malaysia tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn chính trị trong những thập niên tiếp theo, bao gồm xung đột với Indonesia (1963 - 1966) và việc đơn phương trục xuất Singapore vào năm 1965. Dù việc đất nước này giành được độc lập vào năm 1957 là một sự kiện trọng đại đánh dấu sự chấm dứt quyền lực trực tiếp của thực dân Anh, điều đó không đồng nghĩa với sự giải phóng hoàn toàn khỏi những chia rẽ nội tại vốn vẫn là một vấn đề phức tạp đang diễn ra.
3. Phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam: Hành trình của gian lao (1941-1954)
Đầu thế kỉ 20, các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam đã thất bại dưới sự đàn áp của kẻ thù, nhân dân rơi vào khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc (sau được biết đến với tên gọi là Hồ Chí Minh) đã giải quyết được khủng hoảng về đường lối đấu tranh bằng cách vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin, nổi bật là thông qua việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Ngô Vương Anh, 2023). Từ ngày ra đời, nhờ có đường lối sách lược đúng đắn, được nhân dân tin yêu, Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc (Tô Lâm, 2025).
Đảng đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân, với kinh nghiệm từ những phong trào đấu tranh (Vũ Trọng Lâm, 2024). Tháng Tám 1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Sự đầu hàng này tạo ra thời cơ “nghìn năm có một” để nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân nhiều nước bị phát xít chiếm đóng đứng lên giải phóng. Nhân dân Việt Nam, dưới sự chuẩn bị kĩ lưỡng và lãnh đạo tài tình của Đảng, qua Mặt trận Việt Minh, đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 2 Tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời, đã tuyên bố với thế giới về sự độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lời tuyên ngôn đã tạo nên hy vọng cho nhân dân Việt Nam rằng màn đêm thuộc địa sẽ rời xa họ, nhưng không phải tất cả mong muốn đều có thể được thực hiện ngay (David G. Marr, 2013).
Nước VNDCCH bước vào giai đoạn đầu kiến quốc, cùng lúc đó, với ý chí khôi phục quyền thống trị, Pháp đưa quân vào Nam Bộ. Dù Hồ Chí Minh đã khéo léo ngoại giao, Pháp vẫn mong muốn tái chiếm Việt Nam. Tháng Mười hai 1946, Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Tới khi ấy, Đảng cũng nhận thức được tình hình thay đổi của thế giới và có sự mong muốn được giúp đỡ gửi đến cả Liên Xô và Mỹ (David G. Marr, 2013). Tuy thế, giai đoạn đầu của kháng chiến, Việt Nam phải gần như hoàn toàn tự lực cánh sinh trong điều kiện cực kì khắc nghiệt. Chỉ sau Cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc 1949 thành công mới tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nhận được sự hỗ trợ quốc tế to lớn, góp phần đưa chuyển biến cuộc chiến (Thuan & Minh Thuan, 2024). Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva (năm 1954) về hòa bình ở Đông Dương (Tô Lâm, 2025). Cuối năm 1954, Hiệp định Geneva được thi hành, miền Bắc của Việt Nam được giải phóng và quân Pháp phải rút quân. Hiệp định Geneva 1954 và kết quả chung của cuộc chiến đã cho thấy ý định của các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn là một thắng lợi và kinh nghiệm quý báu đối với nhân dân Việt Nam (Thuan & Minh Thuan, 2024). Dù sau đó, nhân dân Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ thêm 20 năm nữa. Nhưng cuối cùng, nhân dân Việt Nam đã giành được sự giải phóng hoàn toàn và nền hòa bình mà họ đã hy vọng từ năm 1945.
4. Cuộc Đấu Tranh Giành Chủ Quyền của Indonesia trong Thế Giới Hậu Thuộc Địa (1945–1965)
Phong trào giành độc lập của Indonesia lên đến đỉnh điểm vào năm 1949, sau nhiều thập kỷ đấu tranh của các lực lượng dân tộc chống lại ách đô hộ của Hà Lan và sự chiếm đóng của Nhật Bản (George, 2000). Dù có những điểm tương đồng với cuộc kháng chiến của Việt Nam (Kroef, 1952), con đường phát triển của Indonesia sau khi giành được độc lập lại rẽ sang hướng khác khi đất nước này rơi vào tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Sukarno, Indonesia chính thức giành độc lập năm 1949 thông qua cả đấu tranh vũ trang lẫn ngoại giao (George, 2000). Trong giai đoạn này, Indonesia theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tích cực tham gia Phong trào Không liên kết và duy trì quan hệ với các quốc gia cộng sản (White, 2017). Tuy nhiên, các chính sách nghiêng về xã hội chủ nghĩa và tình hình bất ổn trong nước đã khiến các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, lo ngại (Fealy & McGregor, 2010).
Dù lựa chọn con đường Không liên kết, Sukarno vẫn không thể tránh khỏi làn sóng can thiệp của Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Cuối những năm 1960, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ (Fealy & McGregor, 2010). Tướng Suharto lên nắm quyền vào năm 1967 và nhanh chóng đưa Indonesia xích lại gần phương Tây, đặc biệt là trong việc đàn áp các phong trào cánh tả và hội nhập vào trật tự kinh tế tư bản toàn cầu. Dưới chế độ “Trật tự Mới” của Suharto, Indonesia trở thành một đồng minh chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á, ưu tiên phát triển kinh tế theo các chính sách được phương Tây hậu thuẫn và triệt để loại bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản (Smith, 2003).
Cuộc đấu tranh giành độc lập và giữ vững chủ quyền của Indonesia phản ánh một thực tế chung ở nhiều quốc gia hậu thuộc địa: giành được độc lập là một chuyện, nhưng giữ được sự độc lập thực sự giữa bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu lại là chuyện khác. Việc không thể duy trì thế cân bằng giữa các cường quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã khiến Indonesia trở thành nạn nhân của những toan tính từ bên ngoài, ảnh hưởng sâu sắc đến con đường phát triển lâu dài của đất nước (Fealy & McGregor, 2010). Điều này thể hiện rõ nét qua cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn năm 1965, một bước ngoặt lịch sử khiến Indonesia ngả hẳn về phía phương Tây thay vì đạt được một nền độc lập hoàn toàn như kỳ vọng ban đầu.
5. Kết luận
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự suy yếu của các cường quốc thực dân đã tạo cơ hội cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á giành được thắng lợi. Việc giành được độc lập không ngay lập tức chấm dứt sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc đối với các quốc gia. Mặc dù cuối cùng các quốc gia, như ba trường hợp đã được phân tích, đã giành được sự giải phóng hoàn toàn, nhưng tác động của sự đô hộ và can thiệp đó vẫn để lại những nét sâu đậm trong lịch sử của họ và lịch sử của quan hệ quốc tế.
Sự suy yếu của chủ nghĩa thực dân hậu thế chiến đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của phong trào giải phóng dân tộc ở châu á, mà Malaysia, Vietnam, Indonesia là 3 ví dụ điển hình. Trong không gian Chiến tranh lạnh, quá trình Phi thực dân hóa diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, và phần lớn các dân tộc bị áp bức trong cuộc chiến tranh giành độc lập đều vấp phải sự kháng cự về mặt quân sự của các cựu đế quốc và những khó khăn về kinh tế - xã hội. Về sau, sự hình thành của hàng loạt các quốc gia trẻ yếu tại châu á & châu phi đã đem lại thay đổi đáng kể trong quan hệ quốc tế.
(Đăng tải vào 06/2025)
TÁC GIẢ
Võ Nguyễn Chí Thành, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.
Nguyễn Quốc Trung, sinh viên Kinh tế và Tài chính, RMIT Việt Nam.
Đặng Ngọc Anh, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Khóa 51, Học viện Ngoại giao.
THIẾT KẾ ĐỒ HỌA
Vũ Ngọc Trúc Linh, sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Khóa 50, Học viện Ngoại giao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Fealy, G., & McGregor, K. (2010). Nahdlatul Ulama and the Killings of 1965-66: Religion, Politics, and Remembrance. Indonesia, 89, 37–60. http://www.jstor.org/stable/20798214
[2] George McT. Kahin. (2000). Sukarno’s Proclamation of Indonesian Independence. Indonesia, 69, 1–3. https://doi.org/10.2307/3351273
[3] MCMAHON, R. J. (2002). Contested Memory: The Vietnam War and American Society, 1975–2001. Diplomatic History, 26(2), 159–184. http://www.jstor.org/stable/24914305
[4] SMITH, A. L. (2003). A Glass Half Full: Indonesia-U.S. Relations in the Age of Terror. Contemporary Southeast Asia, 25(3), 449–472. http://www.jstor.org/stable/25798657
[5] Van Der Kroef, J. M. (1952). Indonesia: Independent in the Cold War. International Journal, 7(4), 283–292. https://doi.org/10.2307/40197931
[6] White, N. J. (2017). The Settlement of Decolonization and Post-Colonial Economic Development: Indonesia, Malaysia, and Singapore Compared. Bijdragen Tot de Taal-, Land- En Volkenkunde, 173(2/3), 208–241. http://www.jstor.org/stable/26281591
[7] Legge, David, J., Adam, Warman, A., Wolters, & W, O. (2024, March 19). History of Indonesia | People, culture, language, & facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/history-of-Indonesia/Independent-Indonesia-to-1965#ref375575.
[8] Andaya, B. W., & Andaya, L. Y. (2016). A history of Malaysia (3rd ed., pp. 395-410). Palgrave Macmillan.
[9] Komer, R. W. (1972). The Malayan Emergency in retrospect: Organization of a successful counterinsurgency effort(Report No. R-957-ARPA). RAND Corporation. https://www.rand.org/pubs/reports/R957.html
[10] Marr, D. G. (2013). Vietnam : state, war, and revolution, (1945-1946). University of California Press. https://doi.org/10.1525/9780520954977
[11] Vũ Trọng Lâm. (2024, Tháng Tám 19). Tạp chí cộng sản. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang?p_p_auth=nDfEHMw1&p_p_id=49&p_p_lifecycle=1&p_p_state=normal&p_p_mode=view&_49_struts_action=%2Fmy_sites%2Fview&_49_groupId=20182&_49_privateLayout=false
[12] Ngô Anh Vương. (2023, Tháng Hai 1). Nguyễn Ái Quốc và quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. https://special.nhandan.vn/nguyenaiquoc_thanhlapdang/index.html
[13] Tô Lâm. (2025, Tháng Hai 2). Rạng rỡ Việt Nam. https://special.nhandan.vn/rang-ro-Viet-Nam/
[14] Thuan, P. D., & Minh Thuan, T. (2024). The first Indochina war (1946–1954) and the Geneva agreement (1954). Cogent Arts & Humanities, 11(1), 2365048. https://doi.org/10.1080/23311983.2024.2365048